Xây dựng gia đình hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình Việt Nam. Người ta hay nói rằng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói này vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại 4.0 ngày nay. Dù tư tưởng bình đẳng giới ngày càng tiến bộ, các mối quan hệ ngày càng được mở rộng, phụ nữ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế gia đình, nhưng vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình vẫn không nên xem nhẹ. Thực tế, nhiều phụ nữ chứng tỏ mình có năng lực, thành công ngoài xã hội không hề thua kém với nam giới. Tuy nhiên, khi trút bỏ trang phục công sở, họ – những người vợ, người mẹ vẫn hoàn thành thiên chức của mình: chăm sóc, nuôi dạy con cái, quán xuyến nhà cửa, bếp núc, đối xử cân bằng hai bên nội – ngoại và thậm chí giúp chồng nở mày nở mặt nhờ sự giỏi giang của mình…
Chị Lâm Thị Hà, Chủ nhiệm CLB Gia đình – Sức khỏe – Hạnh phúc ở ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) là một trong những tấm gương “Nữ hai giỏi” đáng ngưỡng mộ. Phong trào nào ở địa phương cũng có bóng dáng của chị. Những chủ trương từ cấp trên đưa xuống, chị đều triển khai đến tận hộ dân trong ấp. Bằng kỹ năng và tin thần tích cực, chị Hà chuyển thông tin thành nhiều hình thức để người dân tiếp cận một cách dễ dàng. Dành nhiều thời gian “lo việc nước” là thế, nhưng chị cũng luôn chu toàn “việc nhà”. Chị Hà chia sẻ: “Tôi may mắn có người chồng yêu thương và hiểu cho công việc của mình. Khi nào công việc nhiều, thì anh chia sẻ cùng tôi. Còn khi ít việc, nhà cửa, con cái và những nhiệm vụ của người phụ nữ trong gia đình, tôi đều hoàn thành tốt. Bởi tôi ý thức được rằng, phụ nữ có giỏi giang ngoài xã hội đến mấy thì về nhà cũng nên làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ. Đó mới chính là cốt lõi của một gia đình hạnh phúc”. Quan điểm này của chị Hà cũng là suy nghĩ của nhiều phụ nữ ngày nay. Không quá khi nói rằng, phụ nữ chính là “phong thủy tốt nhất” trong nhà, ở đâu có phụ nữ, ở đó có yêu thương.
Cô Ngô Thị Thu Trinh (ấp Quốc Kỷ, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) cũng là một điển hình về tấm gương phụ nữ luôn hết lòng vì gia đình. Cô Trinh chia sẻ: “Bí quyết giữ mái ấm hạnh phúc thật ra không khó. Song song với việc chăm lo kinh tế gia đình ổn định, thì phải giáo dục con cháu mình ý thức về xây dựng hạnh phúc gia đình. Hơn hết, các thành viên trong gia đình phải bình đẳng, hòa thuận, người này nói thì người kia nghe, người này nóng thì người kia nhịn. Câu nói mà tôi tâm đắc nhất là “Chồng nóng thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa, biết đời nào khê”, thật đúng trong mối quan hệ vợ chồng”. Có một người con trai duy nhất, nên cô Trinh cũng thương con dâu như con gái mình. Cô quan niệm: “Mình thương con dâu bằng tấm lòng, con có gì sai thì rầy dạy, xong rồi thôi chứ không phân biệt mẹ chồng – nàng dâu. Đặc biệt, tôi luôn cùng chồng mình làm gương để con cháu noi theo. Tôi nhận ra rằng, cha mẹ là tấm gương tốt nhất để nuôi dạy con cháu nên người”. Chính vì cách “lèo lái” gia đình một cách hài hòa và hợp tình hợp lý, cô Trinh trở thành trụ cột trong việc giữ lửa hạnh phúc cho gia đình 3 thế hệ của mình.
Có thể nói, trong xây dựng hạnh phúc gia đình, phụ nữ đóng vai trò hết sức quan trọng: hiểu, cảm thông, động viên, nhắc nhở mọi người và luôn tự trau dồi bản thân. Và đây cũng là nhiệm vụ to lớn mà phụ nữ gánh vác để kiến tạo cho xã hội những “tế bào” khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.